Thúc đẩy tài chính nông thôn

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tại các tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ có sự hiện diện từ 4-5 ngân hàng, phần lớn là Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, BIDV, Vietinbank... Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh miền núi rất mỏng, chỉ bằng 1/70 các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tín hiệu khả quan đối với hoạt động tài chính ở khu vực nông thôn là lượng người gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân đã tăng 54% trong giai đoạn 2015-2020, đạt hơn 1,4 triệu người.

Theo các chuyên gia tài chính, con số trên rất đáng khích lệ, nhưng tài khoản tiền vay tại các quỹ này lại khá thấp, chỉ tăng khoảng 15% trong 5 năm qua. Đáng chú ý, các cá nhân đến vay vốn tại các quỹ giảm từ hơn 101.000 người năm 2015 xuống còn hơn 96.300 người vào năm 2020.

Tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển đồng đều giữa các vùng, dẫn đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của các đối tượng ở vùng nông thôn, miền núi còn thấp.

Trong khi đó, nhiều người dân chưa nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình khi sử dụng các dịch vụ tài chính, nên gặp nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là rủi ro khi sử dụng dịch vụ tài chính phi chính thức.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

Đây có thể xem là một bước tiến quan trọng để triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, trong đó có một phần lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Các tổ chức tín dụng đã cam kết tập trung đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất... cho khách hàng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhưng với thực trạng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, các tổ chức tài chính và ngân hàng phải xác định tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một lĩnh vực ưu tiên đặc biệt.

Do đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp như hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động trong các lĩnh vực mới, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ trong việc cấp tín dụng, mà còn hỗ trợ đắc lực cho quá trình cơ cấu lại khu vực nông nghiệp, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thanh Thảo

Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/thuc-day-tai-chinh-nong-thon-post445585.html