Định giá startup cho mục đích gọi vốn giai đoạn đầu

Định giá startup như thế nào cho phù hợp?

Thông thường các startup muốn gọi vốn trong giai đoạn đầu sẽ hướng tới các nhà đầu tư trong giai đoạn sớm như nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) và quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Fund).

Tuy nhiên việc tiếp cận, thuyết phục các nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm không dễ dàng và việc các startup không hiểu cách thức nhà đầu tư đánh giá, nhận định về giá trị doanh nghiệp có khả năng dẫn đến việc huy động vốn không thành công hoặc bị đánh giá thấp. Có 5 cách định giá startup mà các nhà đầu tư thường dùng đó là:

Phương pháp so sánh (Comparision):

Đây là phương pháp đơn giản nhất. Tìm một công ty tương tự với công ty mà bạn đang định giá, rồi lấy giá trị công ty đó làm thước đo cho việc định giá. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là không có nhiều startup thực sự đủ tương đồng với nhau để có thể được so sánh. Hạn chế thứ hai là việc đánh giá dựa trên số ít yếu tố nên không đủ để đưa ra con số ước lượng chính xác nhất.

Phương pháp so sánh bảng điểm (Scorecard): 

Đây là phiên bản chi tiết hơn của phương pháp so sánh được giới thiệu ở trên. Phương pháp này thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư thiên thần để định giá một startup với một “startup trung bình” trong cùng ngành và khu vực. Với phương pháp này, các nhà đầu tư sẽ liệt kê từ 5-7 tiêu chí đánh giá với các trọng số khác nhau, rồi đánh giá từng tiêu chí so với các đơn vị trong ngành, và tính tổng lại để ra được Hệ số định giá cuối cùng. Giá trị trước khi đầu tư của startup sau đó sẽ được tính bằng cách lấy định giá trung bình (của “startup trung bình” trong ngành và khu vực) nhân với Hệ số định giá vừa tìm được.

Phương pháp đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Method): 

Cả nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư đều có một phương án thu tiền mà họ muốn startup trả cho mình, và phương pháp đầu tư mạo hiểm là cách định giá đi ngược từ cách mà nhà đầu tư muốn thu tiền về, để ra được định giá và mức cổ phần tương ứng. Nhà đầu tư ước tính giá trị của công ty trong tương lai bằng cách lấy doanh thu hoặc lợi nhuận dự báo nhân với hệ số định giá thị trường, sau đó chiết khấu giá trị tương lai này về hiện tại với lợi suất yêu cầu.

Phương pháp Chiết khấu dòng tiền (Discounted Cashflow Method): 

Phương pháp này định giá startup bằng cách dự đoán dòng tiền tương lai của startup đó, rồi chiết khấu nó về hiện tại, với giả định rằng định giá hiện tại của công ty bằng tổng giá trị hiện tại (Present Value) của dòng tiền mà công ty tạo ra trong những năm tiếp theo.

Phương pháp Tổng các yếu tố rủi ro (Risk factors summation) và phương pháp Scorecard (bảng tính điểm):

Cân nhắc các yếu tố về thế mạnh của đội ngũ quản lý, tiềm năng sản phẩm/công nghệ, quy mô tiềm năng thị trường, lợi thế về kênh phân phối, các yếu tố rủi ro của startup trong tương quan đối với các công ty được sử dụng để so sánh, từ đó tính ra hệ số định giá điều chỉnh hoặc mức điều chỉnh giá trị tuyệt đối.

Về mặt phương pháp, đối với các startup giai đoạn sớm thì các nhiều phương pháp định giá truyền thống như: Chiết khấu dòng tiền – DCF hay so sánh thị trường rất khó có thể áp dụng.

Vậy các nhà đầu tư thiên thần hay đầu tư mạo hiểm định giá startup giai đoạn đầu như thế nào khi các phương pháp truyền thống không thể áp dụng?

Trước hết, đối với nhà đầu tư thiên thần, thường là những cá nhân có tiềm lực tài chính, đam mê, có thể là chuyên gia trong ngành, sẵn sàng đầu tư cho các startup từ rất sớm, khi vẫn còn là ý tưởng đang được thử nghiệm – giai đoạn này thường gọi là Seed funding.

Tại giai đoạn này, nhà đầu tư thiên thần đầu tư chủ yếu vào bản thân các nhà khởi nghiệp, chủ nhân của ý tưởng kinh doanh, hơn là đầu tư vào hoạt động kinh doanh của startup! Vì thế việc định giá mang nhiều yếu tố “nghệ thuật” hơn là “khoa học”. Các yếu tố để cân nhắc giá trị thông thường sẽ bao gồm khả năng của đội ngũ lãnh đạo, tiềm năng của sản phẩm (đang được phát triển) trên thị trường hiện tại và tương lai, xu hướng công nghệ.