Cấp độ tài chính cá nhân là gì? Có mấy cấp độ tài chính cá nhân?

Có thể bạn đã nghe đâu đó hoặc nghe thường xuyên cụm từ "Tự do tài chính”, nhưng tôi đoán chưa chắc bạn đã hiểu ý nghĩa nội hàm của nó. Và "tự do tài chính” có phải là đích đến trong đời sống hạnh phúc của bạn không? Tôi cũng không biết, câu trả lời phụ thuộc vào bạn.

Nhưng trước khi trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ rằng bạn nên hiểu về các cấp độ/mức độ tài chính cá nhân (Hình 2)

Hình 2: Các mức độ tài chính cá nhân

Có nhiều cách chia mức độ tài chính khác nhau, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì tôi chia thành sáu mức độ, cụ thể:

  • Mức 1: Phụ thuộc tài chính - Ở mức độ này bạn sống nhờ vào tài chính được chu cấp (học bổng butachi – bu ta chi, quỹ metalo – mẹ ta lo... )
  • Mức 2: An toàn tài chính - Ở mức này bạn đã có một lượng tiền/tài sản tích lũy đủ để trang trải 3-6 tháng sinh hoạt phí trong trường hợp khẩn cấp (như là: thất nghiệp, nghỉ việc tìm việc mới,...), khoản tích lũy này không bao gồm nợ chưa trả (nếu có nợ)
  • Mức 3: Ổn định tài chính - Ở mức này bạn đã tích lũy được tiền/tài sản đủ để trang trải sinh hoạt phí cho trường hợp không có thêm nguồn thu nhập (từ làm thuê, dòng tiền vào) trong vòng 12-24 tháng sau khi đã trả hết nợ (nếu có)
  • Mức 4: Độc lập tài chính – Nếu đạt mức độ này bạn đã có nguồn thu nhập (dòng tiền) từ các khoản đầu tư/tiết kiệm đủ cho sinh hoạt cơ bản mà không cần phải đi làm thuê, làm công
  • Mức 5: Tự do tài chính – Là mức độ nếu bạn đạt được thì bạn có nguồn thu nhập ổn định từ đầu tư/tiết kiệm đủ để trang trải cho sinh hoạt mong muốn mà không phải đi làm thuê/làm công. Thông thường chi phí sinh hoạt mong muốn gấp khoảng 3-5 lần chi phí sinh hoạt cơ bản
  • Mức 6: Dồi dào tài chính – Nếu đạt mức này, bạn đã lọt top 1% những người giàu nhất hành tinh. Ở mức này bạn có thể chi tiêu thoải mái cho các nhu cầu và mong muốn cá nhân mà không phải bận tâm về tiền (wow, thật là thích)

 Dựa trên các mức độ tài chính tôi đưa ra ở trên bạn thấy rằng luôn có hai đối trọng: Số bạn có (tích lũy được) và Số bạn dùng (nhu cầu chi tiêu). Cùng với một số tiền như nhau (số bạn có), với nhu cầu chi tiêu khác nhau (số bạn dùng), có thể với người này thì đã là tự do tài chính (mức 5) nhưng với người kia chỉ là ổn định tài chính (mức 3).

Đọc đến đây tôi muốn bạn dừng lại suy nghĩ và trả lời hai câu hỏi sau:

  • Bạn đang ở mức độ tài chính mấy?
  • Bạn mong muốn đạt được mức độ tài chính nào? và trong bao lâu nữa?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì phần lớn sẽ ở mức độ tài chính 1 khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường (học phổ thông, học đại học, học nghề,... ) vì vẫn phải dùng tiền của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên và bạn trẻ hiện nay đã có các nguồn thu nhập từ làm thêm và không cần học bổng butachi nữa, và thậm chí có tích lũy kha khá. Cá biệt, nhiều sinh viên còn "rất giàu" khi có rất nhiều tiền (từ kinh doanh, hay trúng quả gì đó) ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Với các bạn trẻ đã "khá giàu", tôi xinh chúc mừng bạn, nhưng tôi chỉ muốn lưu ý bạn: vui thôi đừng vui quá, cuộc chơi tài chính còn cả một chặng đường dài. Tiếp tục hành trình tìm hiểu về tài chính cá nhân và trang bị kiến thức quản lý hiệu quả chưa bao giờ là thừa.

Trong khi đó, có một bộ phận không nhỏ sinh viên sau khi tốt nghiệp, hoặc đã đi làm một vài năm, thậm chí năm bảy năm mà đôi khi chưa vượt được mức 2, tức là chông chênh không đạt mức an toàn tài chính. Với các bạn đang ở tình trạng này, thì theo tôi thói quen tài chính không tốt chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình hình hiện tại. Nếu không sớm thay đổi, thì thậm chí năm, bảy năm tiếp theo bạn vẫn không thể thoát khỏi tình trạng như bây giờ.

Với những ai có mục tiêu Độc lập tài chính hoặc Tự do tài chính hoặc cao hơn thì bạn còn rất nhiều việc phải làm. Hiểu về quản lý tài chính, và thực hành những thói quen tốt sẽ sớm đưa bạn tới nơi bạn muốn. Tất nhiên, những bạn nào có điều kiện (được thừa hưởng từ cha mẹ, hoặc bạn đã kiếm đủ tiền ăn tiêu từ giờ tới hết cuộc đời) thì cuốn sách này không dành cho bạn.

Nếu bạn mong muốn học và quản lý tài chính cá nhân tốt hơn hãy đặt sách Tinh hoa Quản lý tài chính cá nhân tại form dưới đây:

Giá bìa: 115.000 vnd

Tác giả: Trần Đức Huân
Số trang: 196 trang
In 2 màu.